5 Mối quan hệ độc hại kề cận mà bạn không ngờ tới

Mối quan hệ độc hại không nhất thiết phải là một con người. Đó có thể là những thứ thậm chí còn kề cận ta hơn cả một người yêu. Và chúng cũng gây ra không ít rắc rối cho cuộc sống của chúng ta.

1| “Toxic relationship” với Mỹ phẩm

Mối quan hệ độc hại là những thứ gắn với cuộc sống của chúng ta, khiến ta tệ đi nhưng ta không thể hoặc không có đủ động lực để thoát ra. Vậy với mỹ phẩm đó là gì?

Nếu bạn để ý, việc dùng mỹ phẩm có thể được diễn họa thành một hình tròn. Cảm thấy da có vấn đề nên tìm cách khắc phục. Nhưng nhiều bạn sẽ không biết cách chọn và dùng mỹ phẩm thế nào cho đúng. Từ đó, da lại càng bất ổn. Da “biểu tình” thì lại phải mua đồ trang điểm để che đi. Thế rồi da lại càng bí hơn và tiếp tục bất ổn. Rất khó để ai đã dùng mỹ phẩm “nặng đô” trở lại với một quy trình nhẹ nhàng, tinh giản. Dùng mỹ phẩm chính là phóng lao là phải theo lao.

Nguồn: Pinterest

Ngày xưa lúc mới tập tành dùng mỹ phẩm, người lớn hay bảo dùng sẽ bị hư da. Thật ra câu nói này cũng có phần chí lý. Bởi chúng ta đã đặt một chân vào một thế giới của hóa học, hóa mỹ phẩm, dược mỹ phẩm. Một thế giới đầy những chất kì lạ mà chúng ta cũng không tài nào hiểu được hết. Chính vì không hiểu nên chúng ta càng ngày càng lệ thuộc, càng tìm kiếm nhiều sản phẩm mới để dùng.

Chúng ta tưởng rằng mỹ phẩm giúp ta đẹp hơn. Nhưng nếu dùng sai, dùng vô tội vạ thì mối quan hệ độc hại này sẽ khiến ta ngày càng tốn tiền hơn. Bạn thử xem lại chi phí cho mỹ phẩm của mình mỗi tháng là bao nhiêu, và tình trạng da của mình đang ở mức độ nào?

2| Netflix thì liên quan gì mối quan hệ độc hại?

Thật ra những thứ chúng ta hấp thu đều có thể là tốt hoặc xấu. Netflix là một nền tảng xem phim trực tuyến với đa dạng các thể loại. Và nó cũng chính là nơi được thiết kế ra để chúng ta xem những gì chúng ta thích mà không ai biết (trừ phi bạn share account, nhưng có có thể khóa lại được). Vậy nên, nếu trong tâm hồn ta là một mớ hỗn độn, những cảm xúc drama, những góc khuất tâm tối… việc Netflix “biết” những điều này thông qua các tựa phim, thể loại là điều quá dễ dàng.

Và thế là ngay trang chủ, nền tảng sẽ giới thiệu bạn những bộ phim thoạt có vẻ giải trí nhưng bên trong lại chứa đựng những nội dung khiến bạn tô đậm những cảm xúc của mình. Việc tô đậm này có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Nếu chẳng may không phát hiện ra, Netflix sẽ chính là một mội quan hệ độc hại, đưa bạn đắm chìm vào thế giới phim ảnh với những thông điệp có thể khiến bạn chìm vào hỗn độn hơn.

Chúng ta không biết khả năng chịu đựng nỗi buồn của mình ở mức nào.

Vì đơn giản phim ảnh kích hoạt cảm xúc của chúng ta. Nó hệt như việc khi thất tình mà bạn còn nghe quá nhiều nhạc buồn thì tâm trạng cũng bị ảnh hưởng không ít. Chúng ta không biết khả năng chịu đựng nỗi buồn của mình ở mức nào. Và cũng chẳng biết có thể tiếp thu bao nhiêu loại nội dung về chuyện thao túng hay bắt nạt.

Tuy nhiên, cái gì chúng ta giữ trong đầu và chìm vào nó càng lâu thì càng có sức ảnh hưởng và khó rời. Và đây là lúc bạn xem mình đã “dính” với các dạng nội dung nào. Và thật sự suy xét xem chúng ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn ra sao.

3| Đồ sạc dự phòng thâu đêm suốt sáng

Đồ sạc dự phòng có lẽ nên được bình chọn là kẻ cướp giấc ngủ. Chúng ta ai cũng biết smartphone đã làm ta thức khuya hơn. Nhưng với đồ sạc dự phòng, pin lúc nào cũng đầy ắp thì bạn nghĩ xem chúng ta sẽ đón bình minh khi nào đây?

Rõ ràng đã đến lúc con người nhận ra mặt trái của những tiện lợi. Thật ra những mặt trái này là do cách chúng ta sử dụng, cách chúng ta nghĩ về mối quan hệ của ta và chúng. Vậy thì, một chiếc sạc dự phòng vừa là một người bạn hữu ích nhưng cũng lại là một người bạn khiến ta không thể ngơi nghỉ.

Nguồn: Pinterest

Nó vừa là cứu cánh khi hết pin nhưng nó cũng là một thứ khiến ta quên đi bản thân có cơ hội được nghỉ ngơi. Chứ không phải lúc nào hết sức thì lại sạc nhanh và tiếp tục làm việc. Đồ sạc dự phòng hay lớn hơn chính là việc những “điểm tựa” ảo mà chúng ta nghĩ rằng hữu ích nhưng thật ra lại mang dáng dấp của việc khuyến khích ta phải bào mòn sức của mình hơn.

Đơn cử như phòng ngủ với tiện nghi đầy đủ tại các văn phòng chẳng hạn. Đây là một ưu đãi phúc lợi từ công ty hay chỉ là một cách để ta nghĩ rằng mình được nghỉ ngơi trong khi thực tế lại chẳng phải thế.

Đồ sạc dự phòng, trợ lý ảo, chat GTP hay bất kì những công cụ nào khiến ta có thể cảm thấy dường như nhẹ gánh đều có mặt trái là khiến ta hoạt động không ngừng. Ta muốn thoát khỏi chúng quá khó vì dường như chúng quá tiện lợi. Và đó chính là một mối quan hệ độc hại mà ta vẫn vui vẻ sống cùng ngày này qua tháng nọ.

Câu hỏi là: Rốt cuộc bạn có thật sự sống tốt hơn với các công cụ hay thiết bị điện tử xung quanh mình?

4| Gương soi 

Ngoài chuyện không nên soi gương vào ban đêm vì sẽ “nhìn” thấy những điều không nên nhìn, điều gì khiến gương soi lại một mối quan hệ độc hại với chúng ta.

Tấm gương phẳng bóng chính là phản chiếu con người của chúng ta. Bạn thường nghe không nên tự phán xét bản thân, không nên tự ti bla bla. Nhưng tấm gương lại chính là thứ khiến ta không tài nào không soi xét chính mình.

Từ việc ngắm nghía cơ thể, đến soi làn da, mái tóc. Chúng ta chỉ biết hay thậm chí tự huyển hoặc mình có vấn đề khi nhìn bản thân trong gương. Câu mắt không thấy, tim không đâu rất phù hợp để chúng ta nói về bản thân và chiếc gương.

Nguồn: Pinterest

Các nhà khoa học thậm chí còn nghiên cứu cho thấy càng soi gương nhiều, chúng ta càng xuống sắc. Còn theo Luật hấp dẫn, việc soi gương và soi vào các khuyết điểm sẽ luôn khiến chúng ở đó mãi mãi. Vì bạn luôn giữ chúng trong đầu, ngày nào cũng nhìn đi nhìn lại một cục mụn thì chúng sẽ mãi ở đó để cho bạn…nhìn!

Càng soi gương, da càng xấu

Có một lời khuyên từ quyển sách The Power rất hay là bạn hãy dành 51% thời gian trong ngày nghĩ về thứ mình mong muốn. Ví dụ bạn muốn da đẹp, dáng thon vậy thì hãy xem 1 ngày bạn soi gương bao nhiêu lần. Ví dụ soi 10 lần thì hãy điều chỉnh lại. Chỉ soi 4 lần thôi, còn lại 6 lần khác khi bạn muốn nhìn da mặt hay body thì hãy mờ bức hình lản da đẹp, thân hình mong muốn lên để nhìn.

Điều này giúp bạn gieo vào tâm trí những hình ảnh tích cực, từ đó thu hút nó đến nhiề uhơn.

Để hiểu hơn về phương pháp làm đẹp bằng Luật hấp dẫn, hãy ghé đến mục Soul Therapy để đọc thêm nhiều kiến thức.

5| Không khí và những điều vô hình chưa nói

Chúng ta thường quan tâm đến những thứ hữu hình mà quên rằng mối quan hệ của chúng ta với không khí cũng có thể trở nên độc hại (theo nghĩa đen).

Không khí ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hít thở, làn da của chúng ta cũng hít thở. Thế nhưng, chúng ta hầu như rất mơ hồ về chất lượng không khí mà ta đang hít vào. Ta chỉ biết khi đi Đà Lạt hay một vùng đất hoang sơ nào đó, ta thấy không khí ở đó trong lành, dịu dàng, dễ chịu. Còn khi ở những thành phố lớn, ta biết không khí không chỉ có khí mà còn có khói bụi và nhiều thứ khác.

Vậy mối quan hệ này độc hại ở điểm nào?

Hãy nghĩ về những nơi mà ta chọn đến cùng với không khí ở những nơi đó. Không khí có thể được định nghĩa là cái vibe của một nơi chốn. Không ít nơi đã tạo ra một cái “không khí” với những mùi thơm hay thậm chí là những chất khiến chúng ta hưng phấn hơn. Hoặc chỉ cần đơn giản hơn, mỗi lần bạn đi hát karaoke có cảm thấy khi bước vào phòng lại có cảm giác hơi cay mắt, khó thở hay không? Đó có thể là do mùi xịt phòng hay là mùi của không khí ủ dột lâu ngày tích tụ lại.

Chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ rằng đó là vui chơi, giải trí nhưng thật ra thì làn da và cơ thể cũng đang phản ứng lại với môi trường. Có lẽ từ bây giờ, chúng ta nên có một sự ý thức nhẹ nhàng hơn về chất lượng không khí ở những nơi ta đến. Không phải những thứ vô hình thì sẽ không có tác động xấu, vậy nên, hãy luôn cản thận với những gì ta tiếp xúc – kể cả không khí.

Làm sao để thoát khỏi các mối quan hệ độc hại?

Tổng kết lại, mối quan hệ độc hại thật ra là thứ chúng ta vẫn luôn có thể chủ động nhận ra và rời khỏi nó. Điều khiến những thứ này vẫn còn ở mãi bên ta luôn nằm ở việc ta tìm kiếm những thú vui và khoái cảm của cuộc sống.

Ta không dám bỏ đi vì sợ bỏ lỡ một điều gì đó hay ho. Thế nhưng những mối quan hệ độc hại đến cuối cùng vẫn là…độc hại. Cũng phải đến lúc chúng ta rời bỏ nó và tìm lại một cuộc sống thanh lành hơn. Điều đầu tiên bạn có thể làm là NHẬN RA đâu là điều độc hại.

Nhận ra thật ra có lẽ ai cũng biết mình đang gặp điều gì, chỉ là ta lờ đi vì nghĩ rằng chưa cần thiết phải thay đổi. Tuy nhiên, bạn hãy thử phác họa ra một cuộc sống nếu mình thay đổi. Bạn có thể THỬ TỪNG CHÚT MỘT. Ví dụ giảm thời gian soi gương, giảm thời gian thức khuya xem Netflix… giảm dần dần để xem cơ thể và cuộc sống chúng ta thay đổi thế nào.

Cứ điều chỉnh dần dần, cuộc sống của bạn rồi sẽ tự khắc cân bằng.

Tác giả: Diep Khoa – Do not Reup

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *